Thủ tướng đối thoại với doanh nghiệp: Ngành thuế bị kêu nhiều nhất
On-line Thanh Nien Newspapers (TN), Friday October 15, 2004
Thủ tướng Phan Văn Khải phát biểu chỉ đạo tại hội nghị
Ngày 14/10, tại hội nghị “Thủ tướng Chính phủ gặp doanh nghiệp năm 2004”, Thủ tướng Phan Văn Khải đã dành nhiều thời gian để yêu cầu các bộ, ngành, các địa phương thực hiện tốt các chính sách cải thiện môi trường kinh doanh, khơi dậy tinh thần kinh doanh của người Việt Nam.
“Điều tôi canh cánh trong lòng là bộ máy hư hỏng”
”… Bây giờ, các chính sách đã có nhiều tiến bộ nhưng bên dưới vẫn còn nhiều tiêu cực. Ví dụ như chính sách thuế đúng nhưng người hành thu không đúng, hành hạ người ta thì chính sách đó cũng mất tác dụng… Hiện nay, lãnh đạo nhiều tỉnh, thành phố cũng đã biết chăm lo cho DN, nhưng cán bộ, công chức không làm đúng các quy định của tỉnh, thành phố, của Chính phủ, nhũng nhiễu, tiêu cực còn rất nặng nề. Đó là vấn đề lớn… Đại diện của Phòng Thương mại Mỹ nói tham nhũng ở nước ta tràn lan, làm vô hiệu hóa bộ máy Nhà nước, có pháp quyền nhưng hóa ra là lại vô pháp quyền. Chúng ta nghe thì có thể cảm thấy khó chịu nhưng đó là thực tế và chúng ta phải thấy đó là điều rất đau lòng. Không biết các đồng chí nghĩ sao nhưng tôi thấy đó là sự thật… Ta cứ nói là lo cho dân nhưng đâu cũng có tiêu cực thì người ta đâu có tin mình. Trong nhiều năm làm thủ tướng, tôi canh cánh một điều trong lòng, và chắc là cả đến lúc nghỉ hưu, là bộ máy chúng ta hư hỏng, làm sao đẩy lùi được … Từ nay đến đầu năm 2005, tôi sẽ cho thành lập các tổ công tác để kiểm tra, rà soát hết lại các thủ tục, những gì gây khó khăn vướng mắc cho các doanh nghiệp để xem thế nào… Mọi việc nếu đều được công khai, minh bạch hóa thì làm sao nền kinh tế không lành mạnh? Chỗ nào sai mà không sửa thì đó là nguy cơ cho đất nước.”
Một số bức xúc của doanh nghiệp
Đại diện một số doanh nghiệp (DN) tại TP Hồ Chí Minh cho biết hiện nay có rất nhiều DN 3-5 năm chưa được quyết toán thuế và việc quyết toán thuế nhanh hay chậm phụ thuộc nhiều vào cảm tính của nhân viên thuế: ai dễ thì cho, ai khó thì chịu, phụ thuộc vào mức độ “biết điều” của DN với cán bộ quyết toán thuế.
Diễn biến hội nghị cũng cho thấy lĩnh vực tài chính là nơi tập trung nhiều bức xúc nhất của DN, có đến 65 kiến nghị được nêu trực tiếp tại cuộc họp và 120 ý kiến khác tập hợp từ trước. Và ông Trương Chí Trung – Thứ trưởng Bộ Tài chính là quan chức duy nhất trong ngày hôm qua được Thủ tướng chỉ định trả lời DN.
Về phía các DN có vốn đầu tư nước ngoài, ông Lê Huê Kiệt, một Việt kiều, Giám đốc Công ty TNHH Hoàn Cầu trong một kiến nghị gửi tới hội nghị đã viết: “Trong 10 năm đầu tư tại Việt Nam, công ty tôi có nhiều chi phí tiêu cực không khai báo được mà phải chấp nhận một cách âm thầm và bị xem là lợi nhuận và phải đóng thuế”.
Đại diện của Phòng Thương mại Mỹ tại Việt Nam phát biểu: “Chúng tôi hoan nghênh các cơ quan của Việt Nam vừa qua đã phát hiện nhiều vụ tham ô lớn, nhưng cũng rất cần thiết xây dựng các chính sách, cơ chế minh bạch để phòng ngừa trước nạn hối lộ và tham nhũng”.
Phải sòng phẳng và chịu trách nhiệm
Ông Vũ Duy Thái, Phó chủ tịch Hiệp hội Công thương TP Hà Nội kiến nghị: “Dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật Đất đai về khung giá đất mới quá cao: khoảng 7 tỉ đồng/ha, gấp 7 lần so với trước. Điều này sẽ đặt DN vào tình thế khó khăn về tài chính”. Ông Trương Chí Trung trả lời: “Nhưng cũng có nhiều ý kiến cho khung giá giải phóng mặt bằng còn thấp, phải nâng lên (cũng tức là phải nâng khung giá đất lên – TN). Chúng tôi đang phối hợp với các bộ xây dựng dự thảo về định giá đất sẽ nghiên cứu để quy định sao cho tạo điều kiện cho DN được cấp đất theo giá thị trường, đảm bảo cả lợi ích cho người bị thu hồi đất”.
Cũng trả lời ông Thái về việc còn quá nhiều thủ tục về khắc dấu, mua hóa đơn, đăng ký mã số thuế… kéo dài thời gian, tăng chi phí thành lập DN, ông Trung nói: “Chúng tôi xin ghi nhận để nghiên cứu từ đầu năm 2005 giảm bớt các thủ tục, các khâu xét duyệt”.
Về một số ý kiến DN phản ánh việc hoàn thuế GTGT của cơ quan thuế quá chậm, ông Trương Chí Trung nói: “Bộ Tài chính cũng thấy đó là vấn đề lớn trong quản lý thu thuế, gây bất lợi cho DN nói chung, nhưng Bộ Tài chính vừa qua cũng đã giải quyết nhiều. Bây giờ DN nào có số tiền phải hoàn trên 200 triệu đồng thì hoàn ngay. Chúng tôi đã chỉ đạo tiền hoàn, hậu kiểm với các DN có hồ sơ tài chính minh bạch, xuất khẩu theo đường chính ngạch, có hợp đồng vận chuyển… Còn DN nào hồ sơ sổ sách tài chính, kế toán chưa rõ, xuất khẩu tiểu ngạch… thì sẽ kiểm trước, hoàn sau”. Ông Trung nói thêm: “Sau nhiều vụ án về hoàn thuế vừa qua, cán bộ thuế nhiều nơi sợ trách nhiệm nên làm quá chặt. Chúng tôi sẽ có những cải tiến để việc hoàn thuế nhanh chóng hơn”.
Theo dõi cuộc đối thoại trên, Thủ tướng Phan Văn Khải nói: “Người ta nộp thuế chậm thì anh phạt, đến khi anh hoàn thuế chậm sao không chịu trách nhiệm? Chúng ta phải sòng phẳng và có trách nhiệm rõ ràng về chuyện này” (các DN đồng loạt vỗ tay).
Nhìn chung, nhiều DN vẫn không hài lòng với cách trả lời của Thứ trưởng Trung vì đã có nhiều kiến nghị về các chính sách thuế, hải quan được hứa hẹn giải quyết trong cuộc đối thoại của lãnh đạo Bộ Tài chính với các DN hồi tháng 7/2004 nhưng đến nay vẫn chưa thấy được giải quyết.
Hỗ trợ DN không phải bằng trợ cấp, giảm thuế
Phát biểu kết thúc hội nghị, Thủ tướng đã yêu cầu Văn phòng Chính phủ tập hợp lại các ý kiến của DN để Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành giải quyết. Thủ tướng kêu gọi cộng đồng DN phấn đấu, học hỏi, nâng cao sức cạnh tranh để vươn ra thị trường thế giới. Thủ tướng nhấn mạnh: Chính phủ sẽ hỗ trợ các DN không phải là bằng trợ cấp, giảm thuế… mà bằng các chính sách cải thiện môi trường kinh doanh, khai thông các vướng mắc, thực hiện các chương trình đào tạo nhân lực, nâng cao trình độ quản lý cho các DN…
Thủ tướng Phan Văn Khải cũng không đồng tình với việc một số DN vẫn đề nghị những chính sách bảo hộ từ Nhà nước, kinh doanh trong lĩnh vực sinh lợi cao nhưng đòi hỗ trợ từ các quỹ hỗ trợ phát triển, các quỹ ưu đãi đầu tư… của Nhà nước. Thủ tướng cho biết, trong các cuộc gặp DN sắp tới, Thủ tướng sẽ nghĩ cách tổ chức các cuộc họp này “hay hơn và hấp dẫn hơn”.
Doanh nghiệp kiến nghị…
• “Phải quy định thống nhất cho tất cả các cửa khẩu về thủ tục, trình tự, thời gian để nhập, xuất hàng; ngành nào được tham gia quyết định làm thủ tục tại cửa khẩu, thủ tục hàng hóa đi trên đường. Không nên để tình trạng ai cũng có quyền để trở thành loạn quyền, DN không biết đâu mà lường, khổ lắm”. Ông Nguyễn Thái Sơn, Giám đốc Công ty Kinh doanh tổng hợp tỉnh Kon Tum
• “Tờ hóa đơn được cấp cho DN làm giấy xuất xứ hàng hóa, giấy đi đường nhưng một loạt các quy định của các bộ, ngành ở Việt Nam khiến DN không thể đáp ứng được và luôn luôn ở tình thế vi phạm. Ví dụ như quy định hóa đơn đi theo phương tiện vận chuyển phải là bản gốc nhưng nếu hàng hóa được giao làm nhiều đợt, chở bằng nhiều phương tiện, đến các địa điểm giao hàng khác nhau thì không thể đáp ứng quy định này”.
Ông Đào Nguyên Phụng, Phó tổng giám đốc Công ty liên doanh Cáp điện LG-VINA
• “Các quy định pháp luật về đất đai hiện hành nói chung cũng như về đất sản xuất công nghiệp quá phức tạp, rườm rà có thể hiểu và diễn dịch rất khác nhau nên tạo môi trường thuận lợi cho tệ tham nhũng, cửa quyền, làm nản lòng các nhà đầu tư. Bản thân người dân cũng như DN muốn thực hiện đúng các thủ tục, quy định cũng không thể tự mình thực hiện được”. Ông Lê Quang Doãn, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất – Thương mại Minh Diệu
Thủ tướng Phan Văn Khải: “Điều tôi canh cánh trong lòng là bộ máy hư hỏng”
”… Bây giờ, các chính sách đã có nhiều tiến bộ nhưng bên dưới vẫn còn nhiều tiêu cực. Ví dụ như chính sách thuế đúng nhưng người hành thu không đúng, hành hạ người ta thì chính sách đó cũng mất tác dụng… Hiện nay, lãnh đạo nhiều tỉnh, thành phố cũng đã biết chăm lo cho DN, nhưng cán bộ, công chức không làm đúng các quy định của tỉnh, thành phố, của Chính phủ, nhũng nhiễu, tiêu cực còn rất nặng nề. Đó là vấn đề lớn… Đại diện của Phòng Thương mại Mỹ nói tham nhũng ở nước ta tràn lan, làm vô hiệu hóa bộ máy Nhà nước, có pháp quyền nhưng hóa ra là lại vô pháp quyền. Chúng ta nghe thì có thể cảm thấy khó chịu nhưng đó là thực tế và chúng ta phải thấy đó là điều rất đau lòng. Không biết các đồng chí nghĩ sao nhưng tôi thấy đó là sự thật… Ta cứ nói là lo cho dân nhưng đâu cũng có tiêu cực thì người ta đâu có tin mình. Trong nhiều năm làm thủ tướng, tôi canh cánh một điều trong lòng, và chắc là cả đến lúc nghỉ hưu, là bộ máy chúng ta hư hỏng, làm sao đẩy lùi được … Từ nay đến đầu năm 2005, tôi sẽ cho thành lập các tổ công tác để kiểm tra, rà soát hết lại các thủ tục, những gì gây khó khăn vướng mắc cho các doanh nghiệp để xem thế nào… Mọi việc nếu đều được công khai, minh bạch hóa thì làm sao nền kinh tế không lành mạnh? Chỗ nào sai mà không sửa thì đó là nguy cơ cho đất nước.”