Ngày 20 tháng 05 năm 2008

 

Kính gởi:             Thủ Tướng Chính Phủ

 

Đồng kính gởi:    Văn Phòng Chính Phủ

Bộ Trưởng Bộ Lao Động, Thương Binh và Xã Hội

Bộ Trưởng Bộ Công Thương

Bộ Trưởng Bộ Kế Hoạch và Đầu Tư

Bộ Trưởng Bộ Ngoại Giao

Chủ Tịch Ủy Ban Nhân Dân Thành Phố Hồ Chí Minh

Chủ Tịch Ủy Ban Nhân Dân Tỉnh Bình Dương

Chủ Tịch Ủy Ban Nhân Dân Tỉnh Đồng Nai

Đại Sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam

Tổng Lãnh Sự Hoa Kỳ tại Thành Phố Hồ Chí Minh

Chủ Tịch Phòng Thương Mại và Công Nghiệp Việt Nam

Chủ Tịch Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam

 

Căn cứ Nghị định số 08/1998/ND-CP của Chính Phủ ngày 22 tháng 01 năm 1998, ban hành Quy chế thành lập Hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam; và

 

Căn cứ Điều 4.5 của Quy chế này quy định Ban Lãnh Đạo của Hiệp hội có quyền đại diện cho Hiệp hội đề xuất các kiến nghị giải pháp với các cơ quan quản lý Nhà Nước Việt Nam nhằm mục đích bảo vệ quyền lợi hợp pháp của doanh nghiệp thành viên và góp phần tạo ra môi trường kinh doanh lành mạnh.

 

Vào mùa xuân năm 2008, tình hình đình công lan rộng có yếu tố bạo động đã diễn ra ở nhiều nhà máy có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tại Khu Kinh tế Trọng điểm phía Nam, tương tự như tình hình đã diễn ra vào mùa xuân năm 2006. Vài năm trước, mỗi năm có 200 cuộc đình công nhưng chỉ riêng trong hai tháng đầu năm 2008 đã có đến 200 cuộc đình công xảy ra.

 

Trước tình hình này, hầu như Chính Phủ đã không có phản ứng hay hỗ trợ đáng kể nào để giải quyết hoặc ngăn chận các cuộc đình công qua việc hỗ trợ truyền đạt thông tin có hiệu quả hơn giữa công nhân và lãnh đạo các nhà máy có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Trong lúc công nhân đang gặp những khó khăn chính đáng do mức lạm phát lên đến 20% vào mùa xuân này, Chính phủ cũng phải gánh chịu một phần trách nhiệm. Chính quyền Trung Ương và Địa Phương cần phải tăng cường và cải thiện các kênh thông tin giữa công nhân và Ban Lãnh Đạo các doanh nghiệp để xem xét và giải tỏa các mâu thuẫn trên tinh thần xây dựng và ôn hòa.

 

Một số ý kiến cho rằng việc đình công trái pháp luật là một “căn bệnh xã hội” đang lan truyền nhanh chóng ở Việt Nam. Phần lớn các cuộc đình công này hiện tập trung tại các nhà máy có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài nhưng rất có thể chúng sẽ lan rộng đến các nhà máy Việt Nam nếu như các biện pháp khắc phục không được nhanh chóng thực hiện.

 

Dường như ở mỗi cuộc đình công trong thời gian qua, công nhân không hề tuân thủ các quy trình đã được nêu ở Chương XIV, Phần 3 của Bộ Luật Lao Động Việt Nam về việc giải quyết tranh chấp lao động tập thể. Cụ thể là công nhân đã không tuân thủ các quy trình về hòa giải đối với các tranh chấp lao động tập thể thông qua hình thức chuyển các tranh chấp lên Hội Đồng Hòa giải lao động, Hội Đồng Trọng tài Lao động hoặc Tòa Án Nhân Dân xem xét. 1

 

Hơn nữa, công nhân đã không tuân thủ các quy trình về việc bắt đầu và giải quyết đình công hợp pháp đã quy định trong các Điều 172 đến 179 của Chưong XIV, Phần 4 Bộ Luật Lao Động Việt Nam về đình công và giải quyết đình công. 2

 

Điếu 176 quy định rằng: “Khi xét thấy cuộc đình công có nguy cơ xâm hại nghiêm trọng cho nền kinh tế quốc dân, các lợi ích công cộng, Thủ Tướng Chính Phủ có quyền quyết định hoãn hoặc ngừng đình công”.

 

Chúng tôi tin rằng tình hình lan rộng các cuộc đình công nhằm vào đối tượng là các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, đôi khi có yếu tố bạo động và không tuân thủ các quy trình đã được quy định ở Chương XIV, Phần 3 và 4 của Bộ Luật Lao Động Việt Nam về bản chất đã gây ra các vấn đề nghiêm trọng cho nền kinh tế quốc gia. Chúng tôi kính mong Thủ Tướng ban hành quyết định đình chỉ hoặc chấm dứt những cuộc đình công như vậy nếu chúng xảy ra trong thời gian tới.

 

Sở dĩ các cuộc đình công như vậy gây đe dọa nghiêm trọng cho nền kinh tế quốc gia là vì các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã và đang đóng góp đáng kể vào nền kinh tế quốc gia, vào sự phát triển kinh tế xã hội tại Việt Nam. Việc để cho các cuộc đình công trái pháp luật tiếp diễn sẽ dẫn tới hậu quả là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài mới sẽ không đến Việt Nam và các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hiện hữu sẽ di dời khỏi Việt Nam.

 

Tại một cuộc họp do Phòng Thương Mại và Công Nghiệp Việt Nam tổ chức tại Thành Phố Hồ Chí Minh ngày 27/03/2008 với sự tham gia của Thứ trưởng Bộ Lao Động, Thương Binh và Xã Hội, Chủ Tịch Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam cùng đại diện các tập đoàn đặt hàng may mặc và giày lớn của Hoa Kỳ và Châu Âu, các đối tác gia công hàng Hàn Quốc, Đài Loan, các ý kiến tiêu biểu sau đây đã đựơc nêu lên:

 

“Công ty chúng tôi đã hoạt động tại Việt Nam từ năm 1996. Chúng tôi đặt đơn hàng may mặc và giày và đạt giá trị xuất khẩu hơn 800 đô la. Chúng tôi tạo việc làm cho hơn 100,000 công nhân trực tiếp và gián tiếp và đóng góp hơn 8% trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng may mặc và giày của Việt Nam.

 

“Việt Nam là quốc gia trọng điểm trong kế hoạch kinh doanh của chúng tôi và chúng tôi đã làm việc với các đối tác để phát triển việc kinh doanh xuyên suốt cả dây chuyền cung ứng. Chúng tôi đã tạo ra công ăn việc làm và mang đến công nghệ sản xuất mới. Chúng tôi đã đào tạo công nhân cả về sức khỏe, an toàn lao động cũng như kỹ năng sản xuất.

 

“Nhằm đạt đựơc mục tiêu đã đề ra trong kế hoạch kinh doanh, chúng tôi cần có lực lượng lao động ổn định và đáng tin cậy. Chúng tôi cần Chính Phủ xây dựng, truyền đạt và thực thi các chính sách hiệu quả trong quan hệ giữa người lao động và Ban Lãnh Đạo doanh nghiệp.

 

“Tuy nhiên các cuộc đình công gần đây đã khiến chúng tôi phải do dự và đánh giá lại các giả định của mình về khả năng quản lý kinh tế của Việt Nam”

 

Và:

 

“Chúng tôi đã hoạt động tại Việt Nam từ năm 1995 với các đối tác sản xuất hàng may mặc và giày. Chúng tôi sử dụng trực tiếp và gián tiếp 230,000 công nhân, đóng góp 1 tỉ đô la trong kim ngạch may mặc xuất khẩu và giày, đạt 30% trong tổng kim ngạch giày xuất khẩu của Việt Nam.

 

“Tuy nhiên chỉ trong quý đầu tiên của năm 2008, chúng tôi nhận thấy có khoảng 200 cuộc đình công trái pháp luật xảy ra trong ngành công nghiệp. Dây chuyền cung ứng của chúng tôi đã bị gián đoạn do những sự cố ngừng trệ sản xuất đáng kể. Gộp lại, những sự cố này đã gây tổn thất cho chúng tôi và các đối tác hàng triệu đô la. Hiện nay không có quy định hay hướng dẫn theo chuẩn mực của Bộ Lao Động Thương Binh và Xã Hội về các trình tự tiến hành để xử lý các trường hợp đình công tự phát dẫn đến tình trạng cấp bách này. Các nhà máy có vốn đầu tư nước ngoài đã gặp không ít khó khăn để tìm được người đối thoại là đại diện công nhân trong thời gian đình công. Chúng tôi cần được biết rõ hơn về vai trò và trách nhiệm của các cơ quan chức năng (Sở Lao Động, Thương Binh và Xã Hội) và các tổ chức lao động (Liên Đoàn Lao Động), Công an đia phương, Công an cấp tỉnh trong việc giải quyết các cuộc đình công trái pháp luật.

 

“Chúng tôi mong muốn phát triển việc kinh doanh tại Việt Nam vì lợi ích của cả hai bên nhưng chúng tôi cần một môi trường lao động ổn định và đề nghị Chính phủ tìm phương án giải quyết những vấn đề về lao động này. Nếu môi trường lao động vẫn tiếp tục bất ổn như hiện nay, chúng tôi cần phải đánh giá và xem xét lại chiến lược đặt hàng cùng những cam kết của mình.”

 

Các tập đoàn mua hàng hóa Hoa Kỳ cùng các đối tác sản xuất từ Hàn Quốc, Đài Loan v.v… đã bày tỏ ý định sẽ rời Việt Nam nếu tình hình lao động không được cải thiện, nếu các quy trình giải quyết tranh chấp tập thể ôn hòa với tinh thần xây dựng không đựơc tuân thủ và nếu các cuộc đình công trái pháp luật không bị ngăn chặn.

 

Đây là một mối nguy hiểm rõ rệt và hiện hữu đối với nền kinh tế quốc gia, bởi vì khối doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài đã đóng góp:

 

  • 38% tổng sản lượng công nghiệp;3

 

  • Gần 60% tổng kim ngạch xuất khẩu;4

 

  • Gần 20% tổng lực lượng lao động,5 Mức lương bình quân ở các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cao gấp đôi so với các công ty tư nhân Việt Nam và cao hơn 50% so với các doanh nghiệp Nhà Nuớc; và

 

  • Nộp 37.2% trong tổng thu thuế.6

 

Do vậy, chúng tôi trân trọng đề nghị Thủ Tướng ban hành quyết định theo tinh thần Điều 176 Bộ Luật Lao Động Việt Nam để hoãn hoặc ngưng đình công nhằm làm lắng dịu tình hình bất kỳ khi nào có những cuộc đình công bất hợp pháp như vậy xảy ra trong tương lai.

 

Ngoài ra chúng tôi cũng trân trọng đề nghị Thủ Tướng chỉ thị cho Chủ Tịch Ủy Ban Nhân dân nơi có đình công xảy ra phải triệu tập một cuộc họp có sự tham gia của đại diện chủ doanh nghiệp và Ban Chấp Hành Công đoàn ngay khi có đình công xảy ra để cùng đạt được thỏa thuận có lợi cho cả hai về tranh chấp lao động tập thể theo đúng tinh thần của Bộ Luật Lao Động Việt Nam, Chương XIV, Phần III.

 

Chúng tôi tin rằng biện pháp tích cực này sẽ giúp tạo ra tại Việt Nam một môi trường quan hệ người lao động / Ban Lãnh Đạo doanh nghiệp / Chính Phủ thuận lợi hơn. Điều này sẽ giúp Chính phủ duy trì và thu hút thêm đầu tư trực tiếp từ nước ngoài vào Việt Nam, là nguồn đầu tư đã và sẽ tiếp tục đóng góp cho sự phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam.

 

Trân trọng kính chào,

 

Chủ Tịch

 

Thomas Siebert

AmCham Vietnam

Tp. HCM

 

1. Số: 74/2006/QH11, 29-11-2006,Mục III, THẨM QUYỀN VÀ TRÌNH TỰ
GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP LAO ĐỘNG TẬP THỂ, Điều 168-171.

2.  Số: 74/2006/QH11, 29-11-2006, Mục IV, ĐÌNH CÔNG VÀ GIẢI QUYẾT ĐÌNH CÔNG, Điều 172-179.

3.  UNCTAD, Investment Policy Review of Vietnam (draft), Nov 2007, p19

4.  UNCTAD, Investment Policy Review of Vietnam (draft), Nov 2007, p24

5.  UNCTAD, Investment Policy Review of Vietnam (draft), Nov 2007, p22

6.  UNCTAD, Investment Policy Review of Vietnam (draft), Nov 2007, p26